Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Những vụ án oan thấu trời xanh: Nếu lỡ tử hình thì sao đây?

Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) sẽ được điều tra lại từ đầu. Ông Chấn không phải là trường hợp cá biệt. Trường hợp anh Trần Văn Chiến (Tiền Giang, bị bắt năm 19 tuổi, ra tù năm 35 tuổi) cũng oan khiên không kém. Anh ngồi tù vì "trót"... chấp hành pháp luật, trình báo về hung thủ. 
Anh Trần Văn Chiến mất hết tuổi xuân vì oan án giết người
Chàng trai 19 tuổi Trần Văn Chiến đang hừng hực tuổi xuân, bỗng chốc dính vào vòng lao lý với tội danh tày đình: giết người. Ngày ấy, biết được kẻ thủ ác, anh Chiến chỉ nghĩ đơn giản là mình cần đến trình báo với công an. Anh Chiến nhận án chung thân vì bị khép là... đồng phạm trong vụ án.

Tù chung thân vì khai báo hung thủ.

Chúng tôi trở lại ấp Nam, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, thăm gia đình anh Trần Văn Chiến nhưng gặp đúng lúc cửa nhà anh đóng im ỉm. Hàng xóm cho biết ngày nào vợ chồng anh cũng tất bật ngoài đồng.

Anh Chiến bị bắt khi mới 19 tuổi và ra tù thì đã 35.

Lần giở lại câu chuyện xảy ra cách đây 34 năm, chiều 20.5.1979 người dân xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông bất ngờ phát hiện thi thể của trưởng công an xã Tân Điền Phan Văn Sên nằm tại một khu đất trũng. Qua khám nghiệm hiện trường và tử thi, cơ quan điều tra xác định nạn nhân tử vong là do bị giết.

Ngày hôm sau, anh Trần Văn Chiến (khi ấy 19 tuổi) đến công an xã trình báo là Trần Văn U (anh em cô cậu ruột) chính là người đánh chết anh Sên và đã bỏ trốn khỏi địa phương.

Mặc dù có công cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng, nhưng bất ngờ, anh Chiến lại bị nghi ngờ có mối quan hệ đồng phạm. Kết quả là Trần Văn Chiến bị cơ quan điều tra khởi tố bị can và bắt tạm giam vì là đồng phạm về tội giết người.

Ngôi nhà của anh chiến

Anh Chiến nhớ lại: “Trưa hôm đó tôi đang ngồi chơi ở nhà thì Trần Văn U tới nói “tao đã giết ông Sên rồi”. Nói xong anh ta chụp lấy cái giỏ nhà tôi bỏ bộ quần áo vô rồi vội vã ra đi, lúc đó tôi cũng chưa biết hư thực ra sao. Ngày hôm sau, nghe bà con nói đã phát hiện xác ông Sên tôi liền tới Công an xã Tân Điền báo lại sự việc. Nhưng không ngờ họ lấy dây điện trói tôi lại rồi giải lên huyện. Ngay sau đó lần lượt anh em, chú bác tôi tất cả hơn 10 người đều bị gọi lên xã để lấy lời khai”.

Anh Chiến kể tiếp: “Tại công an huyện, tôi nói chỉ nghe Trần Văn U nói vậy chớ không biết gì hết, nhưng họ không chịu. Họ đánh và buộc tôi phải khai vì U không thể làm một mình. Ngay cả ông chú ruột và ông anh bà con chú bác với tôi cũng bị đánh. Bị đánh đau quá chịu hết nổi nên tôi đành phải khai đại là có tham gia giết người"...

Nếu tử hình cũng đành chịu.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Trần Văn Chiến khai nhận rằng: “vì U bị ông Sên tìm bắt để lập hồ sơ đưa đi cải tạo, do vậy U nảy sinh ý định trả thù. U yêu cầu Chiến tham gia giết Sên, Chiến nhận lời và 2 bên có sự bàn bạc thống nhất hành động. Chiều hôm đó U đến nhà rủ Chiến ra nghĩa trang nấp. Chờ khoảng 20 phút thì Sên trên đường công tác về ngang, cả 2 bất ngờ xông ra, dùng cây đánh vào đầu và người Sên, làm nạn nhân té xuống bất tỉnh. U tiếp tục đè lên người và dùng tay bóp cổ Sên... Sau đó cả hai kéo xác nạn nhân bỏ vào vùng đất trũng, có nhiều cỏ và U bỏ trốn”.

Dựa vào lời khai trên, cơ quan điều tra kết luận Chiến đồng phạm với U về tội giết người, cướp tài sản.

Sau đó Viện KSND tỉnh Tiền Giang ra quyết định truy tố Chiến đồng phạm về tội giết người. Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20.3.1980, anh Chiến không nhận tội, cho rằng bị ép cung. Mặc dù vậy, TAND tỉnh Tiền Giang vẫn tuyên buộc Chiến tội đồng phạm giết người, phạt tù chung thân.

Anh Chiến nhớ lại: “Khi ra tòa tôi đã phản cung nhưng Viện kiểm sát không chấp nhận và tòa cũng tuyên buộc như Viện kiểm sát. Không còn biết cách nào, tôi đành theo số phận và không kháng án. Sau nhiều lần được xét giảm án, ngày 21.8.1995 tôi được trả tự do. Tính tổng cộng từ khi bị bắt giam và chấp hành hình phạt tù chung thân đến khi được thả ra là 16 năm 3 tháng, chính xác là 5.929 ngày”.

Khi ấy, anh Chiến là một trai làng mới lớn, trình độ hiểu biết không cao (mới học hết lớp 2), nên gần như không hiểu rõ quy định của pháp luật.

Hơn nữa, thời ấy ngành tư pháp, tố tụng còn nhiều hạn chế nên khi tòa tuyên án, anh cũng đành chịu, không hề biết "kháng án" hay "nhờ luật sư bào chữa" là gì.

Chúng tôi tự hỏi, nếu thời điểm ấy, với tội danh giết người, tòa tuyên án tử hình và anh Chiến phải thi hành án thì giờ đây, người đàn ông này, cùng 1 vợ và 2 đứa con, có còn ngồi trò chuyện rôm rả với PV Thanh Niên Online. Và cái án oan mà anh Chiến phải gánh chịu, sau này mặc dù được minh oan, liệu có còn bao nhiêu ý nghĩa...

Hung thủ sa lưới, người ngay vẫn trầy trật minh oan


Mặc dù biết mình bị oan, nhưng anh Chiến đành âm thầm chấp nhận hình phạt, cải tạo tốt để được tha tù trước thời hạn. Bất ngờ, hung thủ Trần Văn U sa lưới, anh Trần Văn Chiến mới có cơ hội đòi lại lẽ công bằng. Nhưng con đường minh oan cũng lắm trầy trật, gian nan.

Hung thủ bất ngờ sa lưới

Sau hơn 16 năm ngồi tù, được giảm án nhiều lần, anh Chiến ra tù. Khi ấy, anh Chiến cũng vẫn âm thầm chịu đựng nỗi oan "giết người", thật tình anh không hề nghĩ đến chuyện kêu oan. Thế nhưng, lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát, Trần Văn U bất ngờ sa lưới.

Thực sự, có lẽ vụ oan án đã chìm vào quên lãng nếu như Trần Văn U không sa lưới. Hơn 2 năm sau ngày anh Chiến ra tù, ngày 24.10.1997, U bị bắt và khai chỉ một mình U giết ông Phan Văn Sên.

Với diễn biến mới, tại bản án tái thẩm ngày 4.6.1998, TAND tối cao tuyên hủy án sơ thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang và trả hồ sơ, yêu cầu điều tra, xét xử lại theo trình tự sơ thẩm.

Tuy nhiên, ngày 15.10.1998, kết luận điều tra của cơ quan công an vẫn xác định Chiến và U đồng phạm giết người.

Ngày 29.2.2000, Viện KSND tỉnh Tiền Giang tiếp tục truy tố Chiến và U về hai tội giết người và cướp tài sản.

Ngày 5.7.2001, một lần nữa TAND tỉnh Tiền Giang đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và đã tuyên phạt Trần Văn U tù chung thân.

Riêng Trần Văn Chiến do “chứng cứ không vững chắc” và căn cứ vào “niềm tin nội tâm”, tòa tuyên Chiến “không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người” thay vì phải tuyên là “không phạm tội giết người”. Giải thích về việc tuyên án như trên, chính Viện KSND huyện Gò Công Đông trong phiên trả lời chất vấn trước HĐND huyện đã trả lời bằng văn bản như vậy.

Rõ ràng, về lý, chính những quan tòa phiên xét xử trên cũng cảm thấy “chứng cứ không vững” và về tình, họ đã cảm nhận được nỗi oan khiên mà anh Chiến chịu đựng.

Chờ 7 năm để chính thức được minh oan

Thế nhưng, Viện KSND tỉnh Tiền Giang không đồng ý, gửi kháng nghị yêu cầu TAND tối cao xét xử phúc thẩm.

Vậy là ngày 12.4.2002, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã đưa vụ án ra xét xử lại và quyết định giữ nguyên hình phạt tù chung thân đối với Trần Văn U về tội giết người, cướp tài sản đồng thời đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với Trần Văn Chiến. Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, Viện KSND tối cao đã rút kháng nghị đối với anh Chiến, nên tòa tối cao tuyên đình chỉ xét xử phúc thẩm vì không có căn cứ, cũng có nghĩa là Trần Văn Chiến đã bị tù oan.
Anh Tiến và tuổi xuân bị cướp
Sau khi được “trắng án”, anh Chiến làm đơn yêu cầu các cơ quan tố tụng của Tiền Giang phải công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại tinh thần và vật chất cho anh theo Nghị quyết 388.

Lúc đầu, anh Chiến đòi bồi thường hơn 800 triệu đồng. Nhưng sau nhiều lần thương lượng, đến cuối năm 2004, TAND tỉnh Tiền Giang đã thỏa thuận được mức bồi thường là 252,7 triệu đồng, đồng thời cử người tới địa phương nơi anh Chiến cư ngụ để họp dân công khai xin lỗi và minh oan cho đương sự.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên Online, trong vụ án oan của anh Chiến, ngoài việc anh được minh oan, bồi thường và xin lỗi trước dân, thì trách nhiệm của những người đã tạo ra oan án này lại chưa được xem xét đến.

Khi thụ án chung thân, Trần Văn Chiến thụ hình ở Tiền Giang một thời gian thì được đưa lên trại Chí Hòa (TP.HCM) rồi ra trại Gia Trung (Gia Lai).

Hơn 16 năm dài đằng đẵng, gia đình anh vì quá nghèo nên không thể thăm nuôi. Nhưng may mắn cũng ở đây, vào những năm sắp ra tù, trong quá trình đi lao động bên ngoài, anh Chiến làm quen và lấy vợ ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.

Lúc đầu, vì thân phận tù đày, gia đình bên vợ phản đối anh Chiến quyết liệt. Nhưng rồi mọi việc cũng xuôi chèo mát mái, anh Chiến đưa vợ về Tiền Giang.

Ngày về quê, không ruộng, không nhà, cuộc sống vợ chồng anh hết sức vất vả. “Nhưng trong cái rủi có cái may. Khi sự việc oan ức của tôi được báo chí đăng tải, một Việt kiều sống ở Mỹ đọc được, thương cảm, gửi tiền giúp tôi cất được căn nhà và sau đó bà nhận tôi làm con nuôi cho tới giờ”, anh Chiến chia sẻ.

Hiện nay vợ chồng anh đã có 2 con. Con trai lớn 18 tuổi, đã bỏ học đi làm thuê, đứa con gái thì đang học lớp 8. Nhà 4 miệng ăn nhưng chỉ có 2 công rẫy, nợ luôn gối đầu. Vì vậy gia đình anh phải làm thuê mướn quần quật suốt năm.

Đã vậy, nhà nghèo, mà mấy năm gần đây anh Chiến bị mắc bệnh tim. Mỗi tháng anh phải lên TP.HCM khám bệnh một lần và tốn vài triệu đồng, trong khi thu nhập của gia đình anh hết sức bấp bênh.

Căn nhà của anh nhìn bên ngoài khá khang trang, nhưng bên trong lại không có được một cái ghế để khách ngồi. Anh Chiến tự nhận: “Ở xóm này gia đình tôi nghèo nhất”.

Ngẫm lại, chuyện anh Chiến được minh oan và vẫn là một người đàn ông lương thiện từ trước đến giờ, chính là điều may mắn nhất...
Hoàng Phương
Thanh Niên online
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131114/nhung-vu-an-oan-thau-troi-xanh-ky-1-neu-lo-tu-hinh-thi-sao-day.aspx

Không có nhận xét nào: