Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Nhà Vệ Sinh Trị Giá Hơn 1 Tỷ Đồng / 1 Cái Ở Việt Nam

Nhiều độc giả bày tỏ lo ngại, chủ trương xây dựng nhà vệ sinh 'dát vàng' của Hà Nội có thể bị quá tải trong tương lai. Một phần vì nhu cầu thử một lần cho biết, phần vì quá hiện đại mà vào không muốn ra.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội cho biết, hiện nay nhu cầu vệ sinh công cộng ở Hà Nội rất lớn, trong lúc cơ sở hạ tầng phục vụ lại thiếu và yếu.


Chính vì vậy, Ban quản lý đã được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi ký quyết định ngày 31/10, đầu tư 14 nhà vệ sinh công cộng với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí lấy từ tiền ngân sách của thành phố.

Ông Cường lý giải, xét về giá trị thực tế, một nhà vệ sinh không thể lên tới tiền tỷ mà rơi vào tầm khoảng 300-350 triệu đồng. Tuy nhiên, để làm nhà vệ sinh công cộng thì chi phí này tăng lên cao gấp nhiều lần (tùy vị trí xây dựng).

Một quan chức khác của Hà Nội trả lời báo chí: "Một tỷ một nhà vệ sinh thì cũng phải xem chất lượng nó như thế nào. Hà Nội là thủ đô của cả nước không thể có một nhà vệ sinh 'úi xùi' được. Ít nhất nó cũng phải được trang bị hiện đại, đảm bảo mỹ quan đô thị".

Vị quan chức này còn cho biết, trong thời buổi trượt giá như hiện nay thì con số đó không phải là nhiều.

Nhà vệ sinh... 5 sao?

Không phản đối chủ chương có nhiều nhà vệ sinh công cộng, nhất là với một thủ đô lớn của cả nước thì nhà vệ sinh với thiết bị hiện đại, đảm bảo mỹ quan có thể chia sẻ được. Tuy nhiên, độc giả Đỗ Minh cho rằng, Thành phố Hà Nội cần phải công khai bản thiết kế để dân biết và phải cho đấu thầu công khai, minh bạch.

"Với sắt xây dựng Hòa Phát, xi măng Bỉm Sơn, thiết bị của Linax, gạch lát nền do Việt Nam sản xuất tương đối xịn với 4 nhà vệ sinh diện tích 60 m2... chỉ cần 300 triệu đồng/căn các nhà thầu đã tranh nhau nhận. Nếu để đấu thầu công khai và cho tư nhân xây thì với 15 tỷ đồng có thể xây được 40 nhà vệ sinh chứ không phải 14 chiếc. Định xây theo tiêu chuẩn 5 sao để so sánh với Tokyo hay Singapore hay sao? Lại thêm một dự án tai tiếng và làm nghèo đất nước", độc giả này viết.

Trong khi Hà Nội vừa ra mắt căn hộ mẫu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp với diện tích 35,8m2, 47,7m2, 56,6m2 và 57,6m2. Tương ứng với giá từ 310 triệu đồng trở lên cho mỗi căn hộ. Nhiều độc giả băn khoăn nhà vệ sinh này có giá gấp 3 lần một căn nhà ở xã hội.

"Nhà vệ sinh bằng kim loại này chắc là kim loại quý 15 tỷ, 14 nhà vệ sinh tương đương khoảng 50.000 USD/cái. 1 nhà vệ sinh nó cũng xấp xỉ bằng 3 cái nhà xã hội giá rẻ (310 triệu/1 căn). Quá nhiều tiền và lãng phí", độc giả Tran băn khoăn.

Con số này khiến độc giải Tran Thanh Hai lo lắng: "Bảo sao ngân sách không bội chi. 1 tỷ một nhà vệ sinh, chi phí xây dựng nhà vệ sinh của các khách sạn 5 sao tại Hà nội cũng không đến mức giá đấy".

Đó cũng là ý kiến của độc giả Tonnuhalinh1993, "nếu kiểm toán thanh tra theo đơn giá Hà Nội thời điểm này, nhà cấp 3 trang thiết bị hiện đại đồ liên doanh giá bây giờ 15 triệu/m2 là hết cỡ".

Độc giả Ktsphamthithuong999 nhanh nhảu: "Cho tôi làm 5 triệu/m2 là ok, đẹp không thể chê vào đâu được mà đã có lãi rồi đấy. 15 tỷ thì nhà vệ sinh đủ dùng cho hết mấy quận nội thành với thiết bị vệ sinh cực tốt".

Độc giả Duy Đông lý giải: "Chắc nhà vệ sinh này phải đền bù giải phóng mặt bằng hoặc là được chuyển giao công nghệ từ sao hỏa"?

Tính năng siêu việt?

Tuy nhiên, ai cũng biết rằng hiện nay nhu cầu vệ sinh công cộng ở Hà Nội rất lớn, trong lúc cơ sở hạ tầng phục vụ lại thiếu và yếu. Xây nhà vệ sinh tiền tỉ thực ra cũng vì đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân Thủ đô chứ cũng chẳng phải vì riêng cá nhân ai.

"Dân cứ kêu ca về văn minh đô thị thì đây có ngay WC tiền tỷ", độc giả Sài Sang nói.

Đó là chưa kể tới những tính năng siêu việt, thiết bị hiện đại, nhà vệ sinh thông thái được độc giả Quôc Huy tưởng tượng:

"Mọi người không cập nhật thông tin gì cả, nhà VS này hiện đại lắm. Có ti vi, điều hòa nè, thiết bị tự động vệ sinh cho người đi. Cảm ứng tiên tiến tự động tính toán lượng chất thải mỗi người đi để tính tiền, đồng thời phân tích thành phần chất thải để tiên đoán sức khỏe mỗi người. Cuối tháng nó còn gửi báo cáo tổng hợp dựa trên những phân tích đó về Sở Y tế, Sở TNMT... để những cơ quan này có những quyết sách đúng đắn về vấn đề dân sinh, môi trường. Và cuối cùng quan trọng nhất là nó "dát vàng" các bác ạ!".

Độc giả Minh chốt lại: "Nhà vệ sinh bằng kim cương".

Không căn ke số tiền tỷ xây một cái nhà vệ sinh, nhiều độc giả có góc nhìn kinh tế, chia sẻ hơn với chủ trương của Hà Nội.

Độc giả Dân đã lý giải "vì đó là Thủ đô... nên nhà vệ sinh giá cao như vậy cũng là hiển nhiên". Vì biết đâu, tới đây lượng khách thăm quan du lịch tại Hà Nội lại tăng đột biến nhờ những nhà vệ sinh "dát vàng" này.

"Ước mơ được đến Thủ đô để được một lần đi toilet dát vàng xem nó khoái cảm như thế nào", độc giả Dang Duyz bày tỏ. Đó cũng là tâm nguyện của độc giả Khang "đến Hà Nội việc đầu tiên là phải chui vào nhà vệ sinh này tè cái, đến Hà Nội mà chưa vào nhà vệ sinh này coi như chưa đến Hà Nội".

Nhưng độc giả Lê Bang kiến nghị, "đến lúc đó Hà Nội cũng cần có giải pháp để chống cảnh ùn tắc, xếp hàng mua tem phiếu như thời bao cấp vì lượng người chờ đến lượt được vào nhà vệ sinh "dát vàng đi một lần cho biết có nguy cơ tăng đột biến".

Lãng phí

Cũng giống những dự án khác, độc giả Nguyễn Nhật Linh đặt câu hỏi "1 nhà vệ sinh hơn 1 tỷ đồng! Tiền ở đâu ra? Ngân sách thành phố từ đâu có?". Theo giải thích của Hà Nội, toàn bộ số tiền này đều được đầu tư từ ngân sách, nghĩa là từ tiền thuế của dân. "Như vậy, Hà Nội chẳng khác nào như cái lò đốt tiền", độc giả Ba Lém lo lắng.

Nhất là trong bối cảnh cả nước đang kêu gọi tiết kiệm, chống lãng phí thì "Hà Nội xây nhà vệ sinh tiền tỉ để kinh doanh lấy tiền núi nhưng tại sao lại lấy tiền ngân sách để đầu tư?", độc giả Xì thắc mắc.

Liệu đây có phải là hiệu ứng của hội chứng tiền tỉ đang diễn ra tại Hà Nội suốt thời gian gần đây. "Nhức nhối quá. HN làm gì cũng đắt. Khoảng hơn 2 nghìn mét đường ở HN trị giá hơn 2 nghìn tỉ, suy ra 1m đường tương đương 1 tỉ. Bây giờ 1 buồng vệ sinh trị giá 1 tỉ", độc giả Người quan sát cho hay.

Nhất là khi, rất nhiều nhà vệ sinh của Hà Nội làm từ lâu nhưng không được sử dụng hết công suất, dân vẫn đái đường thậm chí đại tiện bậy... Chẳng hạn khu cuối đường Hùng Vương, Hà Nội, có 4-5 nhà vệ sinh công cộng, nhưng đoạn này nước tiểu vẫn chảy thành sông, ai đi qua cũng phải bịt mũi.

Nhà vệ sinh thứ nhất: đầu Hàng Cháo cách vài bước chân, cách nhà vệ sinh này một chút trong ngõ phố Hàng Cháo, một nhà vệ sinh nữa; ở bãi Tập Kèn, cách đường Hùng Vương mấy chục mét là một nhà vệ sinh luôn đóng, cách nhà vệ sinh này một đoạn hơi xa là các nhà vệ sinh của chợ Ngọc Hà... Nhưng Hà Nội không có hướng dẫn chu đáo nên người dân không nhìn thấy.

Các nhà vệ sinh đều bán vé thu tiền kinh doanh (không phải ít), nhất là Hà Nội không tổ chức phạt khi vi phạm nên người ta cứ bạ đâu tè đó.

Vì lẽ đó, độc giả Vietha cho rằng: "Thay vì đầu tư xây dựng nhà vệ sinh tiền tỷ, việc đầu tiên Hà Nội nên rà soát lại hệ thống nhà vệ sinh rất nhiều đã có trong lịch sử, sửa sang lại, chứ không lãng phí "dát vàng" phản cảm... Rất có thể để tư nhân kinh doanh dịch vụ này, còn nhà nước thì không nên thu tiền", độc giả này nêu ý kiến.

Xuân Tùng
 báo Đất Việt

Không có nhận xét nào: