Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

tăng cước 3G và bội tăng cách tính

Ngay sau khi các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước 3G lên 40% từ ngày 16-10, nhiều người tiêu dùng đã phản ứng bởi họ cho rằng cách tính cước khá mập mờ.


Anh Nguyễn Bảo Hoàng, nhân viên kinh doanh của một công ty nước ngoài kể rằng; trước đây anh dùng FastConect 3G của Mobi, với giá cước cũ thì anh thường xuyên lên mạng đọc báo, lên Facebook, có khi chỉ còn 1.000 đồng trong tài khoản vẫn có thể đọc được nhiều bài báo, hay lên Facebook nói chuyện với bạn bè thoải mái. Nhưng sau khi nhà mạng này tăng giá cước thì lên mạng rất chậm, hình ảnh không load hết, vậy mà đọc chưa được ba bài báo đã ngốn mất 3.000-4.000 đồng.
Tương tự, anh Phạm Hữu Thiên, một thuê bao của Viettel phàn nàn: những ngày đầu tháng 10 cước 3G của nhà mạng Viettel mà anh đang dùng bỗng tăng đột biến. Nếu lúc trước với 40.000 ngàn đồng anh có thể lướt web thoải mái trong một tuần, thì nay chỉ với số tiền đó anh chỉ dùng được trong một ngày dù rằng chỉ lướt web, đọc báo như bình thường chứ không tải video hay xem phim.
Nhiều người tiêu dùng nói rằng, cước 3G tăng lên nhưng đổi lại các nhà mạng phải cam kết một đường truyền tốt và ổn định. Theo anh Thiên, Viettel tăng gói cước cơ bản lên đến 70.000 đồng và cam kết là sau ngày 16-10 tốc độ 3G giới hạn là 32kb/s, nhưng thật ra tôi chỉ nhận được tốc độ cao nhất và thường xuyên nhất là 8kb/s. Như vậy, nếu so sánh với GRPS thì tốc độ 3G chỉ đạt 1/2 GPRS.
Việc tăng cước không chỉ ảnh hưởng đến khách hàng cá nhân mà ngay cả Hiệp hội Vận tải Ô Tô Việt Nam cũng vừa có văn bản kiến nghị thay đổi lại cách tính cước 3G áp dụng cho thiết bị theo dõi hành trình của xe.
Theo báo Tuổi Trẻ ngày 25-10, ngay sau khi cước 3G tăng, hộp đen theo dõi hành trình của hàng nghìn xe tải của các doanh nghiệp trong hiệp hội này đã không thể hoạt động do mất tín hiệu khi tài khoản 3G trong bị hết tiền. Điều đó ảnh hưởng đến việc giám sát hành trình của xe và an toàn giao thông.
Một nhân viên thu cước của MobiFone đề nghị giấu tên nói rằng: cước truy cập trước đây chỉ 60đ/MB giờ tăng 200đ/Mb, tức là tăng khoảng 333% chứ không phải 40% như nhà mạng nói. “Rất tội cho khách hàng vì máy tính khi khởi động lên sẽ mặc định tự kết nối một số ứng dụng. Vậy là chỉ cần kết nối là nhà mạng đã thu tiền. Do đó, thời gian gần đây, tôi liên tục phải nhận cuộc gọi giải đáp thắc mắc cho khách hàng,” anh nói.
Cũng theo nhân viên này sở dĩ tài khoản 3G của người tiêu dùng nhanh bốc hơi vì nhà mạng đã thay đổi cách tính cước. Nếu như trước đây các nhà mạng tính cước theo block 10KB+10KB thì nay họ áp dụng cách tính 50KB+50KB.
Thực tế việc thay đổi block tính cước cũng là một cách tăng cước kín đáo của nhà mạng, vì phần lẻ chưa đến 50KB sẽ được làm tròn đến 50KB, trong khi cước tăng thì mức cước tính trên block cũng tăng (từ 0,586đ/10KB lên 9,765đ/50KB).
Với cách tính cước như vậy sẽ khiến cho cước của 3G tăng đột biến và làm tài khoản 3G của người tiêu nhanh bốc hơi.
Hiện, việc tính cước theo block 50KB+50KB cũng được MobiFone và VinaPhone áp dụng.
Phản hồi về cách tính cước cá nhà mạng đều cho rằng họ công khai cách tính cước của mình trên các website theo từng gói cước. Do đó, không thể nói cách tính mập mờ và nhà mạng cho rằng người dùng 3G nên nghiên cứu kĩ đơn giá này khi sử dụng dịch vụ 3G.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó phòng kinh doanh của VinaPhone cho biết: thực tế đã có khách hàng chưa nghiên cứu kĩ khi sử dụng nên đã xem phim trực tuyến qua mạng 3G dẫn đến cước cao rồi đi khiếu nại mất thời gian vô ích. Hơn nữa, hiện các mạng đều áp dụng hệ thống tính cước tự động nên hiếm khi có tình trạng tính sai cước cho khách hàng.
Các mạng cũng khuyến cáo người dùng 3G chỉ nên xem phim, nghe nhạc, tải những dữ liệu dung lượng lớn qua mạng 3G khi sử dụng những gói cước ấn định sẵn mức cước hằng tháng (50.000 đồng, 70.000 đồng... ) mà không giới hạn dung lượng truy cập. Còn những gói cước giới hạn dung lượng truy cập mà sử dụng dịch vụ này sẽ phải trả chi phí 3G rất tốn kém, có khi phải trả tới cả triệu đồng khi xem một bộ phim trên mạng qua hạ tầng 3G.
“Việc điều chỉnh hai gói cước 3G kể từ ngày 16-10, mạng di động VinaPhone đã công bố đơn giá tính cước dịch vụ công khai trên website của nhà mạng để khách hàng tiện tham khảo. Hiện lượng khách hàng sử dụng hai gói cước 3G được mạng này điều chỉnh giá từ ngày 16-10 chỉ chiếm 15-17% khách hàng đang sử dụng dịch vụ 3G của VinaPhone,” ông Hải nói.
Hiền Oanh
thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online

Không có nhận xét nào: